Sau bài kinh nghiệm ăn dặm, có nhiều người muốn mẹ Ổi chia sẻ thêm về thực đơn, cách chế biến, lượng ăn,....Rất xin lỗi mọi người vì tiêu chí website này là để lưu giữ kỷ niệm gia đình là chính, nên không có giao diện thuận tiện để trả lời từng người...Mẹ Ổi viết thêm bài này để trả lời chung được cho nhiều người. Gọi là chia sẻ những thông tin theo sách nuôi con của Nhật mà mẹ Ổi đang theo thôi. Hy vọng giúp ích được phần nào cho công cuộc chăm sóc nuôi nấng các cục cưng của chúng ta.

 

Lượng ăn cho mỗi bữa và số bữa ăn dặm, chủng loại thực phẩm theo tháng tuổi

Từ 4 tháng tuổi, Mít ăn 5 bữa/ngày. Mỗi bữa 200ml sữa. Lịch ăn cách 4 giờ/bữa

6:00 sáng - 10 giờ sáng - 2 giờ chiều - 6 giờ chiều - 10 giờ tối.

Bé 5-6 tháng: ăn 1 bữa dặm/ngày.

Thời gian: Nên ăn vào bữa sáng: 10 giờ

Đạm: 5-10 gr (cá thịt trắng: ít béo như tara, đậu phụ 25 gr, trứng: dưới 2/3 lòng đỏ, trứng ở Nhật to hơn ở VN)
Cháo 1:10 5 gr - 30 gr (gạo, mì, bánh mỳ)
Rau: 5-20 gr (cà rốt, bí đỏ, chân vịt, cà chua, kabu (giống su hào), bắp cải, súp lơ xanh, chuối, táo, quít)

Sở dĩ lượng dao động lớn như vậy vì cách tập của họ bắt đầu từ 1 thìa (5 gr) thấy bé ăn ko sao thì tăng dần từng thìa đến khi được lượng cận trên. Cách tập cụ thể như sau:

 Tập mỗi thứ mới luôn bắt đầu từ 1 thìa , và nên tập ít nhất 2 ngày để xem phản ứng đầu ra, dị ứng...Không ăn 2 thứ mới trong cùng một ngày (nếu có phản ứng thì không biết do cái gì). Như vậy, trong 2 tháng đầu tập ăn, hết tháng thứ 6 cũng vừa đủ thời gian để tập một vòng các loại thực phẩm kể trên. Lượng ăn là không đáng kể, mục đích chỉ là để tập, cho bé quen với thìa, quen với vị lạ, quen với thức ăn đặc hơn sữa một chút. Sau bữa dặm vẫn ăn sữa như thường.

(Xem ảnh và chú thích ở phần thực đơn sẽ rõ hơn)

* Cháo 1:10 nghĩa là 10 gr gạo nấu với 100 ml nước. Lượng cháo/cơm là lượng thành phẩm, không phải lượng nguyên liệu.


Bé 7-8 tháng: ăn 2 bữa dặm/ngày.

Thời gian: sáng + chiều, cách bữa sữa ở giữa. Ví dụ như Mít: 6 giờ sáng: sữa, 10 giờ sáng: dặm+sữa bù, 2 giờ chiều: sữa, 6 giờ tối: dặm+ sữa bù, 10 giờ tối: sữa.

Nguyên liệu như giai đoạn trước cộng thêm:
Đạm: 10-15 gr (trứng: cả lòng đỏ, đậu phụ 40-50 gr, sản phẩm sữa bò: 85-100 gr, thịt lườn gà, natto, cá thịt đỏ (sau 8 tháng), gan gà)
Cháo 1:7 40-80 gr (corn flake, macaroni, )
Rau: 25 gr (natto, dưa chuột, nấm các loại

Có 1 điểm khác biệt là ở nhà cho ăn dặm là thay bữa sữa bằng bữa dặm luôn. Còn ở đây, công thức họ cho ăn như thế, nấu lên các mẹ sẽ thấy rất ít, sau đó nếu bé thích thì bù thêm sữa theo nhu cầu. Với cách ăn này mẹ cháu thấy là vừa vặn cho Mít, thường là Mít ăn hết trước khi chán. Hoặc có bỏ thừa thì cũng chỉ bỏ vài thìa thôi. Những giai đoạn ăn tốt, sau mỗi bữa Mít có thể ăn thêm 100ml sữa. Có giai đoạn kém ăn thì không uống sữa nữa. Đừng nên thấy con ăn thỏm lẻm thì mẹ lại tham cho con ăn nhiều lên. Cứ giữ cái sự hỉ hả của hai mẹ con đó cho sướng đã. Bé còn rất rất nhiều thời gian phía trước để mà phải ăn nhiều hơn, để mà chán ăn muốn đổi món...


Bé 9-11 tháng: ăn 3 bữa dặm/ngày. Bắt đầu từ giai đoạn này, ăn dặm được coi là nguồn dinh dưỡng chính thức của bé. Nếu bé ăn được ít thức ăn dặm thì bổ xung bằng sữa theo nhu cầu. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa sữa, và dặm, (vì uống nhiều sữa mà đến bữa không muốn ăn cháo/cơm, nếu bớt sữa đi thì ăn dặm tốt hơn chẳng hạn), thì nên chọn dặm, vì thức ăn dặm cung cấp đầy đủ chất cho bé hơn.

Thời gian: Sáng, trưa, chiều.

Lịch ăn thay đổi thành:

7:30 ăn sáng

10:00 sữa (200ml)

12:30 ăn trưa

4:00 200ml sữa

7:30: ăn tối

Nguyên liệu như giai đoạn trước cộng thêm
Đạm cá 15 gr (thêm tôm đồng)
Đạm thịt lợn/bò/gà: 5-18 gr
Đậu phụ: 40-50 gr
Cháo 1:5~1:3 90-100 gr (thêm bún, miến)
Rau: 30-40 gr (thêm giá đỗ, măng, nori)

Bé 1 tuổi - 1,5 tuổi: 3 bữa/ngày.

Thời gian: Sáng, trưa, chiều, như trên. Sữa nên đổi thành sữa tươi.

Nguyên liệu như giai đoạn trước cộng thêm
Cá: 15-18 gr (thêm mực, tôm, cua, cá khô, trứng tăng lên 1/2-2/3 cả quả)
Thịt lợn, thịt bò: 5-18 gr
Đậu phu: 50 gr
Rau: 40-50 gr (hầu như tất cả các loại rau)
Cơm nát 1:2 ~ cơm thường: 80-90 gr

Nước trái cây, sữa chua thường include trong bữa chính, hoặc uống rải rác trong ngày khi khát. Bánh trái rất ít khi ăn, chỉ trừ khi ăn bữa chính kém.

 

Cách chế biến độ thô và độ mềm:

Độ thô và độ mềm:

Giai đoạn đầu kỳ 5-6 tháng

 

Giai đoạn 7-8 tháng:

Độ mềm: miếng cà rốt ấn nhẹ ngón tay thấy nó nát ra

Giai đoạn 9-11 tháng:

9-10 tháng nếu bé ok, có thể xắt miếng nhỏ 0,5-1cm nấu chín mềm cho bé ăn.

9 tháng: mềm cỡ chuối chín
11 tháng: mềm cỡ miếng chuối vừa chín tới

 

Giai đoạn hoàn thiện: sau 1 tuổi

1 tuổi-1,5 tuổi: thịt thái thật mỏng xắt miếng nhỏ, cá miếng nhỏ, rau cắt khúc.

 Độ mềm dùng thìa có thể dễ dàng cắt đứt miếng cà rốt.

 

Chế biến:

Cháo:

Cháo  Mẹ Ổi nấu bằng chế độ nấu cháo của nồi cơm điện. Nếu nấu nồi thường thì thường bay hơi nhiều và phải chế thêm nước bao nhiêu mẹ cháu cũng chịu. Ngâm gạo trước khi nấu 1 tiếng, sau khi nồi tự động nấu xong, không mở ngay, cứ để ở chế độ bảo ôn thêm 1-2 tiếng nữa cho nhừ thêm. Bỏ cháo ra, xay nhuyễn, đun lại môt chút cho yên tâm, để nguội, chia vào các hộp cất đông lạnh. Làm nhiều hơn so với lượng ăn của bé một chút để sau này giải đông còn đun lại dính nồi là vừa.

Theo cách của người Nhật thì họ không dùng máy xay, cháo nấu xong nghiền bằng cối có vân cho nhỏ, rồi lọc qua rây là được cháo nhuyễn. Nhưng mẹ Ổi nhận thấy sản phẩm về cơ bản không khác nhau, nên làm nhiều nhiều thì dùng máy xay cho nhanh. Hì hì..

Mít được khoảng 6,5 tháng thì ăn cháo gạo vỡ, (không biết cỡ bao nhiêu vì chỉ được cho 1 túi), mấy bữa đầu mẹ cháu nấu xong nghiền lại cho vẫn là nhuyễn hơn lợn cợn, được 1 tuần thì không nghiền nữa. 7,5-8 tháng Mít bắt đầu ăn được cháo hạt nguyên hạt. 9 tháng ăn cơm nát 1:4, 11 tháng ăn cơm nát 1:3, 13-14 tháng cơm nát 1:2, 16 tháng cơm với bố mẹ (nấu mềm), 18 tháng ăn hoàn toàn cơm bình thường của bố mẹ. Tuy nhiên, đấy là mẹ cháu cũng cứ cố cho Mít ăn thế, chứ thực ra Mít có thể ăn cơm từ lúc 1 tuổi. Và ở Nhật bé 9 tháng ăn cơm bố mẹ luôn cũng rất rất nhiều. Nói vậy để các bố mẹ ở VN tham khảo, nếu bé có đòi ăn cơm sớm quá.

Rau:

Giai đoạn này cho đến hết giai đoạn 7-8 tháng, mẹ Ổi dùng máy xay cầm tay (Hand mixer: chọc đầu xay vào cốc đựng thực phẩm), ưu điểm của máy này là có thể xay lượng rất ít. Xay nhuyễn hay hơi rối một chút tùy loại rau và tùy tình hình ăn của con. Máy xay với các loại rau lá. Rau củ thì luộc chín rồi mài bằng bàn mài chứ không xay, nếu cần thì lọc thêm qua rây. Cũng là lười đấy, các mẹ Nhật dùng tay hết nhé.

Sau 8 tháng thì chỉ có dao và thớt thôi.

Thịt: thịt băm hoặc thịt xay để tránh bị vón cục thì hoặc là bỏ thịt vào nước lạnh cho tan ra rồi mới nấu, hoặc là luộc chín rồi mới xay thì sẽ tơi. 

Mẹ Ổi thường nấu chín nhiều nhiều rồi chia phần cất đông lạnh. Cảm thấy ngon và đỡ mất chất hơn đông lạnh tươi rồi rã đông để nấu, vì khi rã đông hay ra nước.

Nước dùng:  để nấu mỳ, miến, phở....canh súp các loại cho con.

Khi bé nhỏ 5-6 tháng, nước dùng nấu từ rau củ hoặc konbu (rong biển). Đun một chút bắp cải, cà rốt, một đoạn konbu,...Nước luộc rau củ này cũng có thể để cho bé tập uống.

Khi bé ăn được thịt, ngoài nước dùng rau củ, mẹ Ổi bắt đầu nấu nước dùng từ xương (xương gà, xương sườn lợn, không phải xương ống). Ninh một nồi xương, cho tủ lạnh cho đông lớp váng mỡ ở trên, hớt bỏ đi (tránh mỡ tủy khó tiêu). Lấy nước trong chia phần cất đông lạnh.

Ngoài ra còn có nước dùng nấu từ cá bào Katsuo. Đun sôi nước thả một dúm cá bào vào đến khi ra ngọt (khoảng 5 phút) thì vớt xác cá bỏ đi. Nước dùng này rất thơm, để nấu canh wakame hoặc mì đều ngon.

 

Chú ý:

1. rau, thịt nấu chung với cháo thì nó sẽ nhuyễn vào nhau bé dễ ăn. Khi nấu riêng thì nó sẽ khô, rời rạc. Để bé dễ ăn thì thêm chút nước (lỏng đặc tùy ý), rồi chế thêm bột ngô tạo độ kết dính, trơn nhuyễn cho bé dễ ăn.

2. Xúc thìa thật bé thôi. Ở VN hay có kiểu xúc thìa đầy, rất to. Thứ nhất là bé dễ nghẹn, thứ hai là bé ăn mất ngon. Bạn cứ thử tống một miếng đầy ứ miệng và một miếng ít ít vừa phải xem có đúng thế không.

3. Không nhất thiết phải theo giuýt giuỵt tiến độ này. Không ép bé. Chỉ step up nếu bé ăn tốt, tiêu hóa tốt.

 

Về vấn đề Đông lạnh:

Quan điểm về đồ đông lạnh: 

Nhìn chung người Việt mình nghe thấy nói đồ đông lạnh là có cảm giác không ngon lành, mất chất...Lại còn cho em bé nữa thì tội em bé quá. Hihi...Tuy nhiên, về mặt khoa học thì đồ đông lạnh không đáng bị định kiến đến vậy. Ở chế độ đông lạnh, hoàn toàn không có trao đổi chất, thực phẩm gần như ở trạng thái ngủ và giữ nguyên trạng thái lúc mới nấu xong. Thậm chí, gần đây người Nhật đã thực hiện thành công nhân bản vô tính một con chuột từ tế bào đông lạnh đấy nhé. Hehe...Nghĩa là chẳng có gì bị phá vỡ, phân hủy ở đây hết (tất nhiên chắc họ có chế độ đông và giải đông đặc biệt hơn)....Một thí nghiệm trên tivi mẹ Ổi xem cũng cho kết quả là thịt bò tươi hoàn toàn và thịt bò đông lạnh 10 ngày cho một đám các bà nội trợ ăn, xong không có một ai bỏ phiếu chọn bên thịt bò tươi ngon hơn (???). Và cuối cùng vẫn là sản phẩm cụ thể là Mít: ăn rất ít mà vẫn tăng cân rất nhiều, không nhẽ ăn đồ mất chất mà được như vậy???

Vì vậy, nếu để lựa chọn giữa đông lạnh và em bé được ăn đa dạng, với nấu nướng ăn ngay nhưng đơn giản ít món thì mẹ Ổi vẫn cho con ăn đông lạnh.

Làm đông lạnh những gì?

Về cơ bản theo sách hướng dẫn của Nhật thì thấy gi gỉ gì gi cái gì cũng có thể đông lạnh: cơm, cháo, bánh mỳ, mỳ ý, khoai các loại,...cho đến chuối táo dâu tây, dưa chuột, hehe...sữa chua white sauce, wakame (rong biển). Kể cả cà rốt, rau chân vịt: những thứ mà mẹ Ổi có đọc được ở chỗ khác là không nên vì biến chất.

Nhưng mẹ Ổi thường chỉ đông lạnh cháo và thịt. Còn cá nếu đông lạnh thì phải xào hành, nếu không sẽ tanh, đậu phụ họ cũng hướng dẫn cắt nước rồi xào chín đông lạnh nhưng mẹ Ổi không làm bao giờ nên không biết có ổn không, những thứ dễ chín, dễ làm nát thì chẳng cần làm nhiều một lúc nên cũng không có nhu cầu đông lạnh. Rau thường ăn tươi, ăn bữa nào nấu bữa đó. Khi bé tầm 9 tháng, ăn các món rau củ quả thái nhỏ ninh nhừ thập cẩm phải chế biến lâu lại nhiều loại thì mẹ cháu cũng nấu rồi chia phần đông lạnh, rau lá thì ăn tươi. Về cơ bản thức ăn vẫn cố gắng làm tươi nhất có thể.

Cách cất đông lạnh:

Nhà Ổi cũng không có tủ đông riêng, nên mẹ Ổi chia thức ăn vào các hộp nhựa nhỏ xíu (loại dùng để cất đông lạnh bán ở cửa hàng em bé), loại này ghi chú là "Dùng được cho lò vi sóng". Sau đó lại bỏ các hộp này vào một hộp nhựa to hơn, đậy kín nắp để ở 1 ngăn trong tầng đông lạnh của tủ lạnh thường.

Có thể bỏ vào khay làm đá, khi thành các cục đá rồi thì bỏ ra gói vào wrapping (cho khỏi dính vào nhau, rồi cất). Những thứ đặc như cơm nát, thịt viên, sau này mẹ Ổi toàn gói vào wrapping đông lạnh.

Với những thứ khá đặc, có thể cho vào túi nilon, dùng đũa ấn các khía chia từng phần rồi làm đông, khi ăn đến đâu bẻ đến đấy theo khía. (nhưng mẹ Ổi chưa làm thế bao giờ, hihi...)

Thức ăn đông lạnh về cơ bản có thể để được 1 tháng, tuy nhiên mẹ Ổi chỉ để giới hạn trong 1 tuần. Nếu không nhớ được thì nên ghi chép ngày sản xuất lên món ăn để nhớ mà thanh lý.

Cách giải đông:

Có thể giải đông tự nhiên, hoặc giải đông bằng lò vi sóng. Mẹ Ổi hay giải đông bằng lò vi sóng.

Để món ăn được giải đông đều thì mẹ Ổi thường chọn công suất thấp nhất của lò là 200W. Thời gian giải đông tùy vào số lượng món để có kinh nghiệm phù hợp. Vì giải đông quá thời gian sẽ bị khô thức ăn. Thời gian đầu con còn nhỏ, lại ăn đồ loãng như cháo thì mẹ cháu vẫn thường để tan đông tự nhiên rồi đun lại bằng nồi (là cảm thấy yên tâm hơn giải đông làm nóng có mấy phút trong lò vi sóng cho con ăn thẳng, chứ không có cơ sở khoa học gì là tốt hơn hay không cả, có khi còn mất chất hơn ý). Sau con lớn rồi thì cơm nát giải đông trong lò vi sóng, ấm nóng lên cho ra bát ăn luôn. Phải nói là hoàn toàn như cơm mới nấu.

À, với cơm thì nên chia phần gói kín ngay từ lúc nóng rồi cất đông lạnh ngay nhé, sẽ ngon hơn để nguội bị mất nước cơm sẽ khô đi. Sau này khi con lớn, ăn chung rồi, bữa nào ăn xong thừa cơm vẫn nóng trong nồi cũng nên chia phần cất đông lạnh ngay, để đề phòng bữa trưa ở nhà chỉ có hai mẹ con không bõ công nấu thì lôi ra, hoặc chẳng hạn lúc đi đâu về muộn không kịp hay khi cả nhà ăn món gì con không ăn được thì đem cơm đông lạnh với thức ăn đông lạnh ra là con có cái chén luôn.

 

Nêm gia vị:

Giai đoạn đầu kỳ (bé 5-6 tháng): Về nguyên tắc, không nêm gia vị, tuy nhiên có thể nêm như sau cũng được. Thời kỳ này kiểu Nhật chỉ ăn 1 bữa dặm

- đường trắng: 0 ~ 1/3 thìa con (0~1 gr)
- Bơ, magarine: o~1/4 thìa con (0~ 1gr) (bơ có muối)



Giai đoạn giữa kỳ (bé 7-8 tháng): Về nguyên tắc, không nêm gia vị, tuy nhiên có thể nêm như sau cũng được. Thời kỳ này kiểu Nhật ăn 2 bữa dặm

-Đường trắng: 2/3 ~5/6 thìa con (2~2.5 gr)
- Bơ, magarine: 1/2~5/8 thìa con (2~2.5 gr)



Giai đoạn cuối kỳ (9-11 tháng): lượng có thể nêm cho 1 bữa. Bé ăn 3 bữa/ngày. Sách không nhấn mạnh về việc không nêm gia vị nữa.


- Đường trắng: 1 thìa con (3 gr)
- Bơ, magarine: 3/4 thìa con (3 g)
- Muối: 1/50 thìa con (0.12 gr)
- Xì dầu: 7/50 thìa con (0.84 gr)
- Mayonaise: 3 g
- Tomato ketchup: 3 g (3/5 thìa con)


 


- Giai đoạn hoàn thiện (1~1,5 tuổi): lượng có thể nêm cho 1 bữa. Bé ăn 3 bữa dặm/ngày
- Đường trắng: 4/9 thìa nhỏ (4gr)
- Bơ, magarine (bơ có muối): 1 thìa nhỏ (4 gr)
- Muối: 1/15 thìa (0.4gr)
- Xì dầu: 1/2 thìa nhỏ (3gr)
- Mayonaise: 4 gr
- Tomato ketchup 10 g (2/3 thìa to)



 

Tập cho bé tự ăn:

Về lý thuyết thì:

Bé 6-7 tháng: cho bé cầm bánh khô để tự gặm ăn. Bánh dễ tan trong miệng, bé ko có răng vẫn ăn tốt.

Bé 8 tháng: tập cho tự uống bằng ống hút. 1 tuổi tự bê cốc uống.

Khi nào bé bắt đầu thích với thức ăn cho vào miệng thì để bé làm. Mới đầu cho bé 1 chiếc thìa, 1 chiếc bát để bé tự chọc ngóay, nếu bé đã khéo một chút, có thể nhét thức ăn vào miệng thì mặc sumoku (áo yếm có tay dài) cho bé, trải nilon xung quanh để bé tự bốc. Tầm trên dưới 1 tuổi có thể xúc thức ăn vào thìa cho bé, giúp bé cầm thìa cho vào miệng. Thức ăn củ quả thái to dễ cầm cho bé cầm tự ăn..., cơm nắm thành miếng nhỏ, thịt băm viên thành miếng nhỏ...chế biến sao cho bé dễ cầm...

Nguyên tắc: không sợ bẩn, không ngại phiền toái (trước bữa rửa ráy, sau bữa rửa ráy), không áp đặt bé là không thể làm được để làm hộ hết,.... hehe.. nói thì vậy chứ thực hiện thì cũng oải đấy.

 

 Thực đơn ăn dặm 

Giai đoạn 5-6 tháng:

Dòng trên cùng có cột xanh xanh đầu dòng bên phải ấy là tuần đầu tiên (ăn cháo trắng),

Ngày đầu tiên: 1 thìa cháo/  Ngày thứ hai, thứ ba cũng vẫn 1 thìa/. Ngày thứ tư, thứ năm là hai thìa cháo/  Ngày thứ 6, thứ 7 là 3 thìa cháo.

Dòng thứ 2 theo cột màu xanh từ trên xuống là tuần thứ 2:

Ngày đầu tuần:  3 thìa cháo (15gr)+ 1 thìa cà rốt nghiền/. Ngày tiếp theo giống thế./ Ngày thứ 3 của tuần thứ 2, chuyển sang 1 thìa chân vịt nghiền nhuyễn, cháo tăng lên 4 thìa Ngày thư 4 giống thế. Ngày thứ 5 Cháo 5 thìa (25gr),+ bí đỏ nghiền nhuyễn. Thứ 7: Cháo + xúp lơ xanh nghiền nhuyễn.

Dòng thứ 3 từ trên xuống là tuần thứ 3, thứ 4:

Cứ tiếp như vậy: Thay cháo bằng mì undon nghiền nhuyễn, tập xong lại đến cháo bánh mỳ (bánh mỳ đun với nước sôi một tý là nhão ra, rồi nghiền, rây),...6 thìa tinh bột, 2 thìa rau.

Tuần thứ 5 (bé tròn 6 tháng sang tháng thứ 7): bắt đầu tập ăn đạm: cơ cấu bữa gồm: 6 thìa tinh bột (cháo/mỳ/bánh mỳ, khoai tây...), 3 thìa rau (bí đỏ, cà rốt, chân vịt...), và 1 thìa đạm (cá, đậu phụ, sữa chua nguyên chất - nhạt, ít chua, không đường).

Sau đó, bé có thể ăn theo thực đơn đẹp đẹp hoành tráng ở dưới cùng đó. Trông đẹp vậy thôi chứ cũng ko có gì đặc biệt đâu. Ví dụ 1 bữa: Cháo bánh mỳ bí đỏ + sữa chua dâu tây (sữa chua nguyên chất và dâu tây nghiền trộn vào). Hay: Cháo cà rốt + sốt đậu phụ với nước dùng. Hay: Cháo trắng + rau chân vịt với cá. Hay: Cháo su hào + cà rốt nấu cá. ... Cháo lơ xanh, đậu phụ sốt cà chua....Cháo trắng, lòng đỏ trứng nghiền, rau chân vịt nghiền.....

Đại khái như vậy, sự kết hợp giữa rau+tinh bột, rau+đạm là tùy thói quen ăn uống và nguyên liệu từng nơi. Nhớ là đừng nêm gia vị lúc này, và để bé được thử vị nguyên thủy của thực phẩm.

 

* Chú ý: Đơn vị thìa ở đây được hiểu là 1 thìa spoon theo qui chuẩn là 5g, hay có thể coi là 5ml, không phải thìa em bé. Cháo 6 thìa chẳng hạn, là 30gr, là 30 ml, dùng bình sữa đong là biết khoảng bao nhiêu.

 

Giai đoạn 7-8 tháng

Ảnh món ăn theo sách để mọi người tham khảo sơ sơ, khi mẹ cháu viết bài này thì Mít qua giai đoạn này rồi nên giờ ngại dịch lắm. Đại khái Mít cũng ăn như kiểu VN thôi.

 

Giai đoạn 9-11 tháng:  Cơ cấu một bữa ăn thường gồm: cháo/cơm nát, rau, đạm, canh. Tráng miệng hoa quả, (đáng ra có thể có sữa chua sau bữa, nhưng Mít chưa ăn được). Rau thường có vài loại rau trong một bữa. Các loại hoa quả của các bữa trong ngày cố gắng khác nhau.

Đây là các món mẹ làm cho Mít (to be updated)

Những món theo sách mẹ cháu thấy có vẻ ngon làm thử, hoặc mẹ cháu tự sáng tác mô đi phê theo sở thích của con hoặc theo tình hình tủ lạnh trong nhà...hê hê...Tiếc rằng Mít bị dị ứng sữa bò rất nặng nên thực đơn của Mít bị hạn chế nhiều. Ở đây lại ko có nhiều rau như ở nhà.

 

Thịt gà/lợn/bò: (Mít ko được ăn thịt bò)

 

Thịt băm xốt cà chua :

cà chua ngâm nước sôi lột vỏ, thái lúc lắc, đảo qua với hành tây và dầu ăn, cho thịt băm vào xào với vài hạt muối.

Lơ xanh cắt nhỏ 1 bông, luộc với nấm. Cuối cùng thêm bột tạo độ sánh.

 

 

Thịt viên sốt chua ngọt:

Thịt gà/lợn xay nhuyễn, hành tây băm nhuyễn, trộn đều thịt với hành, bột mì (để làm viên thịt được mềm, bở dễ cắn vỡ, ko bị dai), 1 vài giọt xì dầu. Viên thịt to nhỏ theo mức độ đáp ứng của bé. Làm sốt: 1 ketchup + 1 xì dầu + 1 đườn + 10 nước, đun sôi, cho thịt viên vào hầm 1 lúc cho ngấm. Cuối cùng chế bột katakuri ko (pha 1 bột 2 nước) tạo độ sánh. Có thể làm nhiều để đông lạnh cũng ok.

 

 

Thịt gà nấu sityu :

cà rốt, khoai tây, hành tây xắt nhỏ luộc chín.(1)

thịt gà băm xào với (1), thêm nước, lơ xanh, chín mềm thì thêm viên súp nấu shityu, chế nhạt hơn cho người lớn ăn, rồi thêm bột mì tạo độ sệt vừa ăn.

Ở VN ko có viên súp sityu thì có thể thay bằng nêm bơ, sữa. (thịt hành, cà rốt luộc chín xào với bơ, thêm nước đun nhừ, sữa cho cuối cùng)

 

Thịt sốt hành với ketchup.

Hành tây băm nhuyễn xào với dầu ăn, thịt gà, thêm nước, ketchup, chín thì nêm bột ngô tạo độ sệt.

 

 

 

 

 

Thịt lợn băm xào kabu:

Thịt băm, kabu xắt khúc luộc chín. Cho 1 chút dầu ăn vào chảo xào thịt thơm, thêm kabu, vài giọt xì dầu, 1 dúm nhỏ đường, cuối cùng cắt hành hoa.

Món này mẹ cháu làm kabu hơi chín kỹ quá nên bị nát, trông xấu thế này nhưng ăn rất ngon, Mít cực kỳ khoái.

Ở VN thì thay kabu bằng su hào.

 

 

Thịt viên rán:

Thịt gà xay trộn 1 tẹo xì dầu bóp nhuyễn đến dẻo dính. Thêm một chút trứng đánh tan bóp đều. Hành tây bằm nhuyễn rắc bột katakuriko lên (hoặc bột mì cũng được), trộn đều với thịt, viên, rán lửa thật nhỏ.

Cà rốt, lơ xanh luộc chín. Chấm sốt mayonaise + ketchup trộn đều

 

 

Thịt gà xào lơ xanh, sốt cà chua.

(đây là một ví dụ, còn thì thịt có thể kết hợp với oẳn tà roằn các loại rau có trong tủ lạnh ra vô số món kiểu này...)

 

 

 

 

ví dụ như thế này: hihi....thịt xào củ cải, nấm, cà chua

 

 

 

 

 

 

Cá: Mít thích ăn cá, ở đây toàn cá biển

Cá samba (cá nục??) nướng

 

 

 

 

 

 

Cá hồi luộc chín ăn mộc

 

 

 

 

 

 

Cá tara kho tương miso

 

 

 

 

 

 

 

Cá tara sốt xì dầu (nêm rất nhạt)

 

 

 

 

 

Cá tara xào hành tây

 

Cá buri rán chấm nước mắm

(nước mắm pha nhạt đi)

 

 

 

 

 

 

Cá dăm: món này vừa ngon vừa bổ, vì cá dăm ăn cả xương rất giàu can xi

Cải thảo, nấm, cà rốt, hành tây thái chỉ luộc chín. Bỏ vào nấu với 50 ml nước dùng ngon (nước thịt), cá dăm bỏ cùng nấu chín (ko cần nêm vì cá đã mặn), thêm katakuriko cuối cùng.

 

 

 

 

Sirazu nấu rau thập cẩm

 

 

 

 

 

 

 

Cá hồi xào ớt chuông đỏ, hành tây, xúp lơ xanh

 

 

 

 

 

Cá tuna hộp xào bắp cải

 

 

 

 

 

 

Đậu phụ:

Đậu tứ xuyên (giả vờ):

đậu phụ cắt nhỏ luộc chín, thịt băm xào với hành tây băm nhuyễn, cho thêm chút nước, vài giọt xì dầu, vài giọt ketchup, đường, sôi lại thì bỏ đậu phụ vào nấu lại cho chín.

 

 

Đậu rán sơ qua tạo áo, xắt nhỏ, xào quả đậu xanh

 

 

 

 

 

 

 

Đậu nấu canh miso với wakame

 

 

 

 

 

Đậu sốt cà chua

 

Đậu nấu súp rau thập cẩm

Đậu luộc sốt xì dầu (pha thật loãng).

 

 

 

 

 

Trứng:

Trứng hấp tyawanmusshi: 

Rau horensho luộc chín, thái nhỏ, nấm, măng thái nhỏ luộc chín, thịt gà băm luộc chín.

1 lòng đỏ trứng đánh tan với 30-40 ml nước (tùy lòng đỏ to nhỏ), trộn hỗn hợp trên vào, hấp trong 4 phút. Ăn nóng

 

 

Trứng rán

 

Trứng sốt thịt cà chua

 

 

 

 

 

 

 

 

Trứng xào cà rốt + rau chân vịt

 

 

 

 

 

Trứng sốt nấm hành tây:

hành tây băm nhỏ luộc chín cùng nấm, bỏ thịt băm vào xào cùng, cuối cùng thêm lòng đỏ trứng. Súp cà rốt khoai tây củ cải.

 

 

 

 

 

Củ cải xào trứng: món này mô-đi-phê từ món xu hào xào trứng của VN, ko có su hào nên thay bằng củ cải: Củ cải cà rốt thái chỉ luộc mềm, xào với trứng, nếu có rau mùi thơm thái chỉ rắc vào là đúng vị.

 

 

Tôm

Tôm băm nhỏ trộn trứng rán non

 

Bí đỏ, tôm sốt kem

 

 

 

 

 

 

Gan gà:

Gan gà xào cải thảo :

gan gà luộc chín thái hoặc băm tùy độ thô bé ăn được, xào cùng cải thảo, chút hành tây...

 

 

 

Gan gà xào cà chua, lơ xanh, hành tây

Gan gà rán với trứng, cải bó xôi

 

Tinh bột:

 Cơm/cháo

Spaghety (thịt gà cà chua, nấm)

nhà hết mỳ spaghety nên dùng macaroni, luộc chín thái nhỏ, xào sốt cà chua, nấm, hành tây, ớt xanh,...bỏ mì vào đảo lại chín đều, cuối cùng có thể rắc chút dry cheese lên trên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Spaghetty white source, cá, nấm.

 

 

 

 

 

 

Mì somen xào :

somen luộc chín mềm cắt 1-2 cm. (hoặc bẻ ngắn luộc), cà rốt, bắp cải, ớt xanh, hành tây xắt nhỏ luộc chín. Thịt nạc băm luộc chín. Tất cả đảo đều xào với mì, nêm dầu ăn, muối.

 

 

Phở Việt Nam: Mít thích ăn phở VN lắm. Chế nước dùng của cả nhà thêm chút nước cho nhạt bớt ra là ok.

 

Undon

Udon nấu cá katsuo:

Cá bào Katsuo đun kỹ lấy nước cốt. Mì luộc chín mềm. Nấm, cà rốt, bắp cải, hành tây cắt nhỏ luộc chín. Bỏ rau vào nấu với nước dùng cá, thêm mì, thêm cá (hoặc thịt gà), cuối cùng chế katakuri ko tạo độ kết dính. Món này thơm mùi cá Katsuo rất đặc trưng.

 

 

Undon nấu trứng

Undon luộc chín cắt nhỏ 1-2 cm tùy độ con ăn được, rau cải bó xôi, cà rốt luộc chín xắt nhỏ. Tất cả nấu với nước dùng ngon, cuối cùng đánh trứng bỏ vào.

 

 

 

 

 

 

Udon nấu thịt cà rốt súp lơ xanh.

 

 

 

 

Undon 3 màu :

Udon luộc chín xắt nhỏ. Cải thìa chỉ lấy lá thái nhỏ luộc chín, cà rốt xắt nhỏ luộc chín. Thịt nạc băm luộc chín. Nước dùng thịt nêm 1 chút xíu muối. Bày làm 3 góc 3 màu. Khi ăn trộn đều.

 

 

Bánh mỳ:

 

 

 

Cháo bánh mỳ rau chân vịt, cheese

 

 

 

 

 

Cháo bánh mỳ bí đỏ trộn sữa :

bánh mỳ gối cắt quân cờ, bí đỏ luộc chín bằm nhỏ, trộn với 2 thìa sữa đã hòa tan.

 

 

 

 

 

 

Cháo bánh mỳ chuối

 

 

 

 

Bánh mỳ phết mứt dâu tây:

Bánh mỳ loại 6 lát: 1/2 lát nướng sơ, xắt nhỏ, phết mứt dâu tây. nhanh và gọn, đẹp và con thích, híc.

 

 

 

 

Khoai tây :

 khoai tây luộc chín, bí đỏ luộc chín nghiền nát, thịt bò băm nhuyễn luộc chín trộn đều tất cả thêm chút muối, nặn thành viên, rán qua.

 

 

 

Khoai lang:

Khoai lang trộn sữa, táo

Khoai lang nghiền nhuyễn ăn mộc

 

 

Cornflake trộn sữa:

món này chỉ mất 3 phút: conflake bóp nhỏ tùy độ bé ăn được, pha chút sữa công thức trộn đều. Nếu lúc nhỏ hơn thì có thể nấu qua một chút với nước cho cornflake mềm.

Món trong ảnh là trộn với chuối cắt nhỏ và sữa chua hoa quả nữa.

 

Rau: : hành tây, ớt xanh, nấm, giá đỗ, lơ xanh thì thường nấu chung với đạm. Các rau khác ngoài cách nấu chung, có thể cho ăn riêng như: Rau cải bó xôi, Bắp cải, Cà rốt, Cải thảo, Cải thìa, Kabu (giống củ cải), Súp lơ xanh. Xay hoặc băm hoặc xắt nhỏ (tùy tháng tuổi), luộc chín, chế độ sệt cho trơn, để ăn mộc vị rau.

Ngoài các cách nấu luộc, xào, nấu canh kiểu VN...hay nấu lẫn cùng đạm. Vài món súp rau sau

Súp rau cải xanh nấu cream:

Thực ra gọi là cream nhưng chỉ là dùng sữa. Trước 1 tuổi chưa ăn được sữa tươi, kem tươi...Nhất là với Mít vì Mít bị dị ứng sữa bò.

Cải xanh chỉ lấy lá, xay nhỏ, thêm nước nấu chín. Nêm 1 chút xíu muối + sữa công thức đã hòa tan. Cuối cùng tạo độ sánh. Múc ra rắc chút cheese khô lên trên

 

 

 

Cá hồi nấu súp cream:

cá hồi luộc chín, dằm nhỏ. Kabu xắt khúc luộc chín, cải thảo, cải thìa thái nhỏ luộc chín. Xào qua cá hồi với rau + vài hạt muối, nêm sữa công thức đã hòa tan. Cuối cùng tạo độ sánh.

 

 

 

 

Súp khoai tây:

Khoai tây, cà rốt, bắp cải, củ cải xắt nhỏ ninh nhừ bằng dashi thịt gà. Súp lơ xanh cho sau cùng.

 

 

 

Súp rong biển nấu trứng :

wakame ngâm nước nở trở lại, xắt nhỏ. Nước dùng đun sôi bỏ wakame vào nấu chín, nêm chút xíu tương miso, đánh trứng rưới vòng tròn đều tay. Cuối cùng nêm katakuriko tạo độ sánh.

 

 

 

Súp bí đỏ, khoai tây, cà rốt, đầu hòa lan

Bí đỏ luộc chín, đánh nhuyễn. Cà rốt, khoai tây, hạt đầu luộc nhừ cho cùng bí đỏ thêm nước đun sôi, nêm chút muối, cuối cùng hòa tan 2 thìa sữa hộp trộn đều, điều chỉnh độ sánh (nếu cần) bằng katakuriko. (nếu lem bé ớn dùng kem tươi ngon hơn)

 

 

 

Súp cải thảo nấu nấm: 

Cải thảo thái chỉ, cà rốt thái chỉ, nấm thái nhỏ. Nấu với nước luộc thịt gà.

 

 

 

 

 

Từ 1 tuổi - 1,5 tuổi: giai đoạn này thức ăn cho bé cố gắng làm thành những miếng nhỏ, sao cho bé có thể tự bốc hoặc tự xiên đút miệng dễ dàng để tập cho bé tự ăn.

Ngoài các món VN truyền thống ai cũng biết như canh cá/thit nấu chua, canh chân vịt nấu tôm, canh sườn nấu khoai, canh cà bung,...Mít rất thích, ăn chung với bố mẹ, pha loãng cho nhạt bớt, thịt kho tàu, chả lá lốt, cá kho tương... Còn một số món sau:

 

 

Thịt viên sốt ketchup

 

 

 

 

 

Thịt gà khoai tây, cà rốt hành tây viên rán:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nikudango sốt ketchup

 

 

 

 

Thịt viên nấu chua ngọt vị dứa:

Thịt 10 gr, đậu phụ 10gr, trứng 2 gr, trộn đều, viên thành viên nhỏ. Luộc chín.

Hành tây, ớt chuông xanh, cà rốt thái ngẫu hứng (cà rốt luộc chín mềm trước). 80ml nước dùng, nấu rau và thịt với nhau, thêm 1 thìa con ketchup và 1 chút xíu xì dầu.

Dứa hộp cắt nhỏ cho cuối cùng. Chín tất cả thì làm sánh. Món này chua ngọt thơm vị dứa

 

 

 

Cá hồi nướng cheese: cá hồi nướng chín trước, rắc piza cheese lên trên bỏ lò nướng bánh mỳ nướng thêm khoảng 3 phút cho chảy cheese hơi sém là được.

Nướng mayonaise ngon hơn.

Canh xúp lơ trắng, cà rốt, nấu tôm nõn, cuối cùng rắc thêm chút cần tây thái nhỏ cho thơm.

 

 

 

 

Salad: Khoai tây luộc chín (lò vi sóng cho nhanh) thái con cờ, slide cheese, cà chua, dưa chuột xắt miếng. Tất cả trộn với 2/3 thìa con mayonaise, xong.

 

 

 

 

 

 

 

Đậu sốt cà chua, măng tây luộc, bí đỏ luộc. Canh rau cải.

 

 

 

 

Trứng gấp:

 

 

 

 

 

Thịt gà sốt kem

Công thức làm white sauce: (chờ tý, ngại đi lấy sách quá, híc...)

 

 

 

 

 

Cơm nắm để bé tự cầm đút miệng, lăn qua nori bóp vụn. 

 

 

 

 

 

Cơm khoai lang

 

Cơm nắm với cá dăm và rau chân vịt (cá dăm rửa nước cho bớt mặn, để ráo xào với rau chân vịt. Trộn đều vào cơm nắm thành từng viên nhỏ)

Đậu phụ: đậu phụ rán, phết tương mật ong (kiểu Nhật)

Canh đậu nấu rau chân vịt

 

 

 

 

 

 

Trứng đúc thịt

 

 

 

 

Tôm viên:

Tôm băm nhuyễn (20gr), rau chân vịt, cà rốt hành tây băm nhuyễn, trộn đều với 2 thìa con bột mì, bóp nhuyễn. Hấp chín, sau đó rán vàng 2 mặt. Rất thơm đặc trưng vị tôm.

(cà rốt phải luộc chín mềm trước, rau chân vịt cũng vậy, thái nhỏ)

 

 

 

 

Cá dăm dim mắm hành: cá dăm chirimen rửa nước cho bớt mặn, để ráo nước. Bỏ chút dầu ăn đảo cá cho hơi săn thì thêm 1 chút nước mắm, dậy mùi thơm thì rắc hành hoa.

 

 

 

 

 

Chả cá: đây là món mua sẵn, híc. Chả cá của Nhật cho rất nhiều bột, sau khi rán lại luộc lên thì bớt mặn, ra bớt dầu, lại rất mềm nên Mít dễ ăn.

 

 

 

 

Chả cá chirimen vị thìa là kiểu VN:

Cá chirimen 30 gr, khoai tây 1 củ (luộc chín bằng lo vi sóng cho nhanh, lôi ra bóc vỏ nghiền nát, hành tây vừa đủ băm nhuyễn, cá băm nhỏ, trộn đều tất cả, thêm thìa là băm nhỏ. Viên tròn, lăn bột mì, trứng, bột cà mì, rán vàng. Nên rán nhỏ lửa để chín kỹ vào trong.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Súp khoai tây sữa + súp lơ xanh:

Súp khoai tây: mẹ cháu lười dùng gói bột súp sẵn của người lớn làm loãng cho nhạt...

Có thể thay lơ xanh bằng rau chân vịt.

 

 

 

 

Baby Nikujyaga: thịt lợn băm hoặc thịt lợn thái miếng thật mỏng, xắt miếng nhỏ. Cà rốt thái miếng, khoai tây thái lúc lắc, hành tây cắt miếng. Bỏ 80ml nước dùng vào đun cùng khoai tây, hành tây, cà rốt, thịt, cho thật chín mềm. Nêm chút đường, chút xì dầu.

Canh wakame nấu nấm châm kim:

 

 

 

Tôm rán bí đỏ

 

Tôm băm nhỏ, bắp cải thái nhỏ xào qua với tôm cho chín tơi. Bí đỏ luộc chín mềm nghiền nhuyễn. Trộn đều hỗn hợp, viên bẹt rán vàng 2 mặt. Cắt miếng vừa ăn cho con măm măm...

 

 

 

Baby gyoza (sủi cảo???)

Vỏ gyoza chính là vỏ bánh gối ở VN.

Thịt băm, bắp cải, hành tây băm nhuyễn, trộn đều làm nhân, gói vào vỏ bánh, tùy kích thước vỏ mà tùy cơ ứng biến chia nhỏ và nặn thành hình sao cho vừa miệng con. Thả vào nước sôi luộc chín. Chú ý sau khi vớt ra nếu ko ăn ngay phải dùng wrapping bọc lại kẻo vỏ bị khô. Ăn rất mềm, thơm ngọt, vừa có rau, thịt vừa có tinh bột. Mít bốc xơi hết cả bát món này được.

 

 

Cá Diêu hồng xào ớt chuông: cá điêu hồng thái con cờ, ướp vài hạt muối. Ớt chuông, hành tây thái miếng nhỏ, cà chua bóc vỏ thái miếng nhỏ.

Rắc một chút bột katakuriko lên cá một lớp vỏ. Dầu ăn nóng cho cá vào đảo qua cho xém lớp bột bọc ngoài. 40ml nước dùng xào với chỗ rau ở trên, bỏ cá xào cùng. Cuối cùng đánh bột sánh.

 

 

Đậu phụ 2 màu:

Đậu phụ nõn 50-60 gr, trải 1 chiếc khăn để miếng đậu lên trên cho thấm nước 1-2 tiếng trước khi nấu. Cắt nhỏ thành từng miếng vừa miệng, dùng khăn giấy nấu bếp (loại thấm mỡ) thấm khô miếng đậu, lăn qua 1 lớp bột katakuriko (có thể thay bằng bột ngô), lăn tiếp qua 1 lớp cheese bột rồi cho vào dầu nóng rán sơ. Màu đen là muối vừng. Có thể thêm màu xanh nếu có bột nori.

 

 

Gan gà luộc, rau củ luộc xiên vào nhau cho bé cầm ăn. (đây là kabu và măng tây).

Canh cà chua.

 

 

 

 

 

Gan gà xào hành tây, cần tây

 

 

 

 

 

 

Gan gà rán :

Gan gà 1/2 buồng (20 gr), thái lát tương đối dày, ngâm vào sữa tươi cho bớt tanh, ra máu. Đem lau khô, ướp với 1 chút xì dầu + bột cà ri. Một lúc sau gan bị ra nước thì dùng giấy bếp thấm khô, tẩm đều 2 mặt bằng bột katakuriko, rán lửa nhỏ, gan vừa chín tới bắc xuống ngay (để lâu bị xác, ko ngon)

 

 

Tôm xào dưa chuột. Híc, ở đây mới khổ thế chứ ở VN xào bằng su su hoặc bí xanh sẽ ngọt ngon hơn.

 Dưa chuột để cả vỏ thì đẹp, ở đây bỏ vỏ cho mềm. Tôm 2 con để nguyên cả vỏ bò lò vi sóng 500W - 30 giây (tôm chín vừa sẽ mềm, tôm chín quá sẽ xác và dai), bỏ ra bóc vỏ bỏ chỉ đen. Dưa chuột và cà rốt luộc chín mềm. Trộn lẫn cho lên bếp đảo lại, nêm 1 chút muối + ketchup pha loãng với nước. Có thể cắt thêm hành hoa hoặc lá cần tây đều hợp.

 

Cá rán vị cà ri:

Cá tẩm ướp chút xíu muối, tiêu.

Bột mì: 1 thìa to (10ml), bột cà ri: 1 thìa nhỏ (thìa nhỏ là thìa 2,5ml, nhỏ bằng 1/2 thìa cà phê): trộn đều với nhau, rắc lên 2 mặt cá. Làm nóng chảo với 1 xíu dầu ăn, bỏ cá vào rán vàng 2 mặt. Bỏ cá ra đĩa. Lau sạch chảo, bỏ 1/2 thìa nhỏ bơ vào chảo cho chảy ra, rưới lên cá. Măm....

 

 

Cá sốt cà chua

 

 

 

 

 

 

Cua bể xào nấm, măng:

Măng thái nhỏ, luộc kỹ. Nấm thái nhỏ. Phi hành thơm xào nấm với măng, chín thì thêm rau chân vịt. Chín tới, bỏ tiếp cua bể đóng hộp vào đảo đều. 1/2 quả trứng đánh tan đổ lên, lửa thấu là được. Chú ý: cua hộp đã mặn nên không nêm thêm gia vị nữa.

 

 

 

Xúc xích

Dùng loại ウィンナー ソーセージ、Khoai tây, cà rốt, dưa chuột luộc chín mềm. Cho chút dầu ăn vào chảo, đảo ソーセージ cho sém, cho tiếp khoai tây, dưa chuột, cà rốt xào sơ. Xiên vào que.

 

 

 

Bí ngồi xào thịt bò:

Bí ngồi thái mỏng, cà rốt thái mỏng luộc mềm.

Phi tỏi xào chín thịt bò, bỏ thêm rau vào xào.

 

 

 

Gà rán: Thịt gà công nghiệp cho mềm, tẩm ướp các vị tùy thích (ngũ vị hương/cà ri...).

Chú ý rán nhỏ lửa, chín vừa không để gà bị khô.

Khoai tây luộc bằng lò vi sóng rất nhanh và bở (1 củ khoảng 2 phút). Ăn mộc hoặc lăn qua chút bơ tan cũng ngon.

 

 

Canh bí đỏ thịt nạc

 

 

 

 

 

 

Một món súp rất đơn giản, ngon miệng đủ chất nữa là súp xúc xích, cà chua, bắp cải.

Cà chua lột vỏ bỏ hột thái miếng, bắp cải thái miếng vừa ăn, bỏ vào nước dùng thịt, nấu nhừ. Xúc xích cắt vừa miếng bỏ vào chín tới thì bỏ slide cheese thái miếng vào, bắc ra. Cheese sẽ tan ra là vừa. (Ko có cheese cũng ko sao), nấu cho em bé nên giản lược nguyên liệu, ko cho rượu...

Bí đỏ kho xì dầu kiểu Nhật.

 

Trứng sốt piman, cà rốt:

Piman (ớt chuông xanh), cà rốt thái chỉ, xào chín. Đập trứng đánh đều đổ vào. Chú ý lửa nhỏ, lấy đũa kéo trứng nhè nhẹ từ rìa chảo vào giữa để phần trứng lỏng chưa chín chảy xuống dưới. Cứ như vậy, trứng vừa chín đều là được món trứng sền sền không bị nát, không bị xác, ăn béo ngậy rất ngon.

 

 

Súp bí đỏ:

Bí đỏ 400 gr, khoai tây 1 củ, hành tây 1/2 củ. Xào lên với nhau. À, thêm nước hoặc sữa tươi tùy. Chín thì bỏ vào 2 thìa to bơ, 2 lát cheese, đem xay nhuyễn. Ăn nóng.

 

 

 

Các kiểu ăn sáng với bánh mỳ: + thêm 1 bát súp rau, hoặc + sữa + hoa quả

 

Bánh mỳ cuộn: bánh mỳ loại bánh làm sanduych, nếu dùng sokupan 8 lát (ở Nhật) thì bánh dầy hơn khó cuốn. Phết mứt dâu tây, cuốn tròn cho bé cầm ăn. Màu vàng là trứng rán mỏng. Trứng có thể luộc lấy lòng đỏ dầm nát để phết, màu vàng có thể dùng bí đỏ nghiền, có thể dùng gan luộc nghiền (hay pate ở VN) sẽ cho màu nâu.... tùy cơ ứng biến. Dễ cho bé tự ăn.

 

 

Bánh mỳ tẩm sữa trứng

Sữa tươi 25ml, nước  25ml, đường 2 gr, trứng 20 gr, đánh tan trứng trộn đều. Bánh mỳ gối cắt nhỏ vừa bé ăn, nhúng vào hỗn hợp. Bơ 2 gr cho vào chảo nóng cho tan (chú ý nhỏ lửa, bơ rất dễ cháy), bỏ bánh vào rán chín. Món này mềm, thơm, béo ngậy.

 

 

 

 

Bánh mỳ phết trứng luộc:

Trứng luộc chín, bỏ ra dầm nát, trộn với mayoinase thành sệt sệt, phết lên mặt bánh mỳ gối...măm măm

 

 

 

 

 

 

Các kiểu cơm thập cẩm:

Cơm cá Chirimen nấu nấm

C1:

C2: cá chirimen rửa bớt mặn, xào với nấm, nêm vị tương miso. Tía tô Nhật thái chỉ rắc vào. Cuối cùng bỏ cơm chín vào đảo đều bắc ra ăn nóng. Có thể thay tương miso bằng syoyu (tương xì dầu) đổi vị.

 

 

Cơm gan gà, đậu cove

Món này đáng ra làm với thịt bò. Vì Mít ko ăn được thịt bò nên mẹ nấu thay bằng gan gà. Đậu co-ve thái nhỏ, cùng cà rốt luộc chín mềm. Xào hành tây với gan gà chín tới, thì bỏ đậu co-ve và cà rốt xào cùng. Cơm chín tới thì đổ vào trộn đều. Cũng giống như món xào rồi ăn hổ lốn với cơm thôi, vì gan gà nấu từ đầu với gạo thì sẽ xác quá không ngon.

Nếu là thịt bò: thịt bò băm nhỏ xào qua cho khỏi hoi. Gạo vo sạch để ráo, bỏ với nước dùng ngon, nước tương, đậu, cà rốt, thịt bò nấu bình thường.

Nếu không có thời gian thì xào chín rồi trộn với cơm cũng gần giống vị mà nhanh hơn.

Có thể kết hợp: thịt bò + măng + nấm. Hoặc Thịt bò + cần tây (cần ta)+ tỏi đều ngon.

 

 

Cơm đậu phụ tứ xuyên (lần này là thật, ko giả vờ nữa, hihi, chỉ thiếu tương ớt thôi)

Thịt băm (100 gr) xào đến độ hơi sém thì bỏ Tenmenjyan (2 thìa, ko biết tiếng V là gì, có thể thay bằng dầu hào) và Tobanjyan (giống kiểu tương ớt chưng: tùy ý), tỏi bằm vào xào cho ngấm với thịt, thịt chuyển màu sẫm đậm, ra mỡ sôi là được. Thêm 300ml nước lã vào đun làm sốt. Trong lúc đó đậu phụ cắt con cờ (1 bìa Nhật = 2 bìa Việt), luộc sôi ở bếp khác, khi sốt sôi thì bỏ đậu cũng đang nóng sôi sang. (đây là bí quyết để món đậu phụ tứ xuyên thành công, đậu nguyên miếng đảo thoải mái không vỡ, ngấm, đổi màu đẹp mà không bị ra nước sang nước sốt làm nước sốt bị đục lờ lờ). Đun thêm 8-10 phút, cuối cùng chế katakuriko lấy độ sánh. Món của Mít nhìn không được đẹp như yêu cầu vì không có ớt đỏ. Nấu chung cho người lớn ăn và bỏ riêng phần em bé trước khi cho ớt là ok.

 

Baby kare rice (cơm cà ri em bé):

Công thức làm sốt cà ri em bé: Hành tây: 1 củ. Dầu ăn,bơ: mỗi thứ 1 thìa to. bột mì: 1,5 thìa to. Bột cà ri: 1 thìa to. Nước: 1,5 cup. Sinh tố rau:1/2 cup (đây là 1 loại nước sinh tố nhiều loại rau thập cẩm, có nhiều cà chua nên khá chua, nước sinh tố có màu đỏ).

Hành tây thái mỏng, xào bằng dầu ăn đến độ nhũn mềm, chuyển màu vàng lông cáo thì thêm bơ vào. Bơ tan chảy thì thêm bột mì, xào đều sao cho bột không cháy, thêm bột cà ri xào. Tiếp đó thêm Sinh tố rau và nước, đun sôi thì nêm gia vị: chút muối, tiêu. Thêm: ketchup, xì dầu...mỗi thứ 1/2 thìa to. Đun thêm 4-5 phút là được.

Sốt kari này có thể làm nhiều một lần, chia phần đông lạnh, để nấu nhiều kiểu:

Cà ri hải sản: nấu với tôm, nấm, hạt đậu.

Cà ri gà/ bò, khoai tây, cà rốt.

Cà ri hình bên là gồm: bacon, ngô, cà rốt, dưa chuột.

 

Cơm rang cua bể:

Phi thơm hành tỏi, xào cua bể với rau mồng tơi hoặc rau chân vịt, thêm cà chua. Cuối cùng bỏ cơm vào trộn đều.

 

 

 

 

 

Cơm rang bacon: bacon thái nhỏ. Trứng rán, khi mới bắt đầu đông lớp mỏng dưới đáy chảo, chưa chín cứng thành miếng thì dùng thìa gỗ bằm cho vụn, sẽ được trứng băm nhỏ, chín non. Cà rốt, ngô hạt hộp, đậu hạt hộp, dưa chuột thái nhỏ, làm chín mềm đến độ bé ăn được.

Rang cơm chín săn thì bỏ những thứ trên vào đảo lại cho chín đều vị là xong.

 

 

 

Mì xào xúc xích

Mì udon bẻ ngắn, luộc chín. Cà rốt, bắp cải thái miếng vừa ăn luộc chín. Xào xúc xích với cà rốt, bắp cải, nêm vị tương xì dầu Nhật, cuối cùng đổ mỳ vào xào đều.

 

 

 

 

Spaghety sốt cà chua

 

 

 

 

 

 

Cơm gratan: cơm người lớn 3 bát, rau chân vịt 1/5 mớ, cà rốt 1/3 củ, white sauce hộp: 1 cốc, cheese (loại chảy) 50 gr, bơ: 2 thìa to, ngoài ra: muối, tiêu.

Chân vịt, cà rốt cắt nhỏ. Làm tan 1 thìa bơ vào chảo, xào cà rốt, mềm thì thêm chân vịt. Thêm 1 thìa bơ nữa vào, thêm cơm vào xào, nên muối tiêu đủ vị. Múc ra bỏ vào đĩa sứ loại nướng gratan. Dùng sữa tươi để làm tan white sauce rồi đổ vào cơm, chất một lát cheese lên trên, bật lò nướng đến độ cheese tan chảy ra là vừa.

 

 

Macaroni tuna: Macaroni luộc chín mềm.

Cà chua (1quả) lột vỏ bỏ hột thái miếng vuông. Hành tây thái miếng nhỏ, phi thơm hành bỏ cà chua vào xào chín tới thì bỏ cá hộp tuna vào (20gr). Bỏ macaroni vào trộn lẫn, rắc mùi tây. Xoang, măm măm, đơn giản và ngon.

 

 

 

Các món ăn phụ:

Hoa quả trộn sữa chua:

 

Chè đậu xanh bí đỏ:

 

 

 

 

 

Mango puding:

Puding sữa:

 

Hoa quả

3-4 tháng: chế nước cốt pha loãng cho bé uống

Từ 5-6 tháng: luộc, mài nhuyễn (với những thứ cứng như táo), còn hoa quả mềm thì nạo

7-8 tháng: bắt đầu xắt miếng nhỏ, từ 1-2 mm, tăng dần lên theo khả năng nhai của bé

............

 

Chắc sẽ có nhiều người nghĩ mẹ Ổi ở nhà không đi làm thì mới có thể chăm cho Mít thế này. Thực ra ở nhà các mẹ có ông bà, có oshin còn sướng gấp mẹ Ổi vạn lần. So với quấy bột nấu cháo hổ lốn và để bé ăn nuốt chửng thì có vất vả hơn 1 tý nhưng cũng vui, vả lại chịu khó vài tháng còn hơn phải xì chét mấy năm. Và với pp đông lạnh thì thực ra cũng không tốn thời gian nhiều lắm. Hôm trước nhà Ổi đi ăn hàng, thấy có một nhà có 3 đứa trẻ, Cả 3 đứa và bố mẹ nó đều ngồi ăn uống enjoy như nhau, không phải cảnh mẹ xoay ngang xoay ngửa lo đút cho con ăn. Đứa lớn nhất nhỏ hơn Ổi, đứa bé nhất lớn hơn Mít. Bố Ổi bảo: thế là trong lúc nhà mình nghỉ ngơi thì họ đã kịp sản xuất 3 đứa. Hihi...Thế để thấy nuôi con kiểu Nhật là thế nào. Với cách nuôi của VN thì có mấy mẹ dám đẻ thế không? Những cảnh đó không hiếm gặp ở đây đâu, mà họ không có ông bà giúp đỡ, không có người giúp việc gì đâu nhé. Nói thế để động viên nhau tý, thêm động lực thoát khỏi sức ì và lối mòn đã tồn tại bao đời ở VN.

 

Vài thắc mắc mọi người hay hỏi

Sau đây là vài thắc mắc liên quan khác và sau một thời gian nhiều người hỏi, và tìm hiểu mẹ cháu đã được biết thêm

1. Ở VN, sách báo bác sĩ vẫn đều khuyên trẻ chỉ bắt đầu ăn cơm nát từ khi có đủ răng (từ 2 tuổi), vậy ngoài Nhật ra thì các nước khác thế nào?

Trả lời: Ở Mỹ, Pháp, Anh, Úc,...đều có tiến độ tập ăn giống - gần giống như Nhật (nói là gần giống vì có lệch nhau đôi chút về từng tháng tập ăn), nhưng đều cho bé ăn thô vào giai đoạn bé có phản xạ nhai tự nhiên tầm gần 1 tuổi. Chưa tìm thấy nước nào ngoài Việt nam khuyên phải ăn cháo đến 2 tuổi. (ko biết Trung Quốc thế nào nhỉ, phải hỏi ai đó mới được)

Ở Nhật thì câu hỏi "bé tập nhai thế nào? có suôn sẻ không?" là một trong những vấn đề quan tâm không thể thiếu trong việc đánh giá sự phát triển của bé giai đoạn từ 9 tháng đến 1,5 tuổi. Bên cạnh các thể loại sách báo, các họat động miễn phí hướng dẫn mẹ tập cho con ăn đúng thời kỳ cũng rất được chú trọng.

2. Bé không có răng thì nhai làm sao?

Trả lời: Bé nhai bằng lợi, bằng răng cửa.

Mít 10 tháng nhai miếng cà rốt ninh mềm to bằng đầu ngón tay cái, nhai bằng lợi mà nát bét cả ra nhé,

3. Nhiều người thắc mắc sao bé ọe, không nhuyễn là ko ăn được. Theo kinh nghiệm của mẹ Ổi Mít, có những khả năng sau đây, các mẹ thử kiểm tra xem có mắc cái nào ko nhé

1-) Thô quá

2 -) Cứng quá

3-) Đặc quá

4-) Xúc thìa đầy quá

5-) Loãng quá nhưng lổn nhổn phần thô vào phần nhuyễn. Bé ăn nhuyễn tưởng nuốt chửng được, nghẹn vì miếng thô lẫn trong đó. (chính vì thế mẹ Ổi không có đoạn chế biến kiểu xay lợn cợn, dùng máy xay hoặc là sẽ nhuyễn nhuyên nhuyên tất cả, hoặc là sẽ có chỗ thô quá chỗ nhuyễn quá, ko thể đạt một độ thô nào đó theo ý mình được)

6-) Bé có triệu chứng viêm họng/ốm

4. Bé đi ị ra miếng rau và miếng cà rốt lẫn trong phân, như vậy có phải là bé không tiêu được không?

Trả lời:  Việc lẫn rau cỏ...xắt nhỏ nguyên cả màu rau trong phân em bé là chuyện thường gặp. Đúng là bé chưa tiêu hóa tốt, nhưng không có nghĩa là bé không tiêu được tý nào. Thức ăn ra nguyên theo phân thì người lớn cũng có. Đối với trẻ con, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên có như vậy cũng không nên lo lắng. Bé vẫn hấp thu được những dinh dưỡng cần thiết, không cần hạn chế các loại thực phẩm của trẻ. Nếu bé không chê, mẹ cứ thử cho bé các loại thực phẩm mới. Cungv với khả năng hấp thu ngày càng cao, dần dần bé sẽ tiêu hóa tốt hơn, tình trạng ra nguyên thức ăn trong phân như vậy sẽ giảm dần. (theo bác sĩ: ~~~ sách ~~~)

5. Khi mẹ tăng độ thô bé không đáp ứng được:

Một điểm nữa cũng nhiều người lúng túng mà mẹ Ổi muốn lưu ý là: các tiến độ tập ăn như trên chỉ là giới thiệu chung chung. Như Mít thì đã theo đúng tiến độ như vậy một cách suôn sẻ, nhưng cũng tùy từng bé. Các mẹ luôn nhớ là mỗi bé một khác nhau, hãy lựa theo đáp ứng của con mình. Khi nào bé sẵn sàng, nghĩa là bé hào hứng ăn, ăn được nuốt được, không nôn trớ, output tốt, tăng cân bình thường thì hãy tiếp tục step up. Đồ cứng quá hoặc thô quá không hợp với khả năng cũng sẽ khiến bé lười nhai. Phản ứng của bé là câu trả lời tốt nhất cho mẹ chứ không phải bất cứ một tiến độ theo sách vở, hay theo bé nào khác. "Con mình là con mình". Mẹ quán triệt được điều này thì sẽ có được sự thanh thản, kiên trì, và bình tĩnh. Nếu vì thấy bé ko làm được mà mẹ đâm ra lo lắng căng thẳng thì lại thành lợi bất cập hại. Điều quan trọng nhất vẫn là bé có hứng thú ăn hay không. Không bao giờ ép bé phải cố gắng vì cái bé ko thích, hoặc chưa làm được, đó là nguyên tắc.

6. Ăn chung hay ăn riêng?

Mít dưới 8 tháng thì lúc ăn riêng lúc ăn chung. Có khi thì nấu chung từ lúc nấu, có khi nấu riêng rồi lúc ăn lại trộn, có khi cho ăn riêng thìa nọ thìa kia theo hình tam giác. Sau 9 tháng thì mẹ nấu riêng nhiều hơn, như thực đơn ở trên. Quả tình Mít bây giờ (1,5 tuổi) ăn tạp hơn Ổi rất nhiều, ngay cả so với Ổi bây giờ là 6 tuổi. Tuy nhiên nếu bé của bạn ko thích ăn riêng thì theo mình ko nên quá căng thẳng về việc tập cho bé ăn riêng, bé ăn ngon miệng quan trọng hơn. Thỉnh thoảng thử xen kẽ là đủ. Vả lại, đằng nào thì khoảng gần 1 tuổi là bé ăn cơm nát thức ăn miếng khá tốt rồi nên cũng ko sợ bé phải ăn cháo hổ lốn quá lâu.

***  Cho tất cả các câu hỏi: tôn chỉ hành động là "hãy tôn trọng bé".

7. Khi bé ốm: bé ăn nhuyễn hơn, có sợ sau này bé quên nhai không?

Khi bé ốm thì bé không thể ăn thô, ăn đặc được, cũng như người lớn thôi. Lúc đó hãy làm thức ăn cho bé loãng hơn, mềm hơn, nhuyễn hơn. Làm sao cho bé ăn được là tốt rồi. Khi nào bé khỏi ốm dần dần bé sẽ lại ăn được bình thường, sẽ không quên nhai đâu.

8. Bộ đồ chế biến ăn dặm mua ở đâu?

Nếu ở Nhật, tên bộ đó là: 離乳食調理セット (Rinyusyoku chyori setto) Có thể mua ở các cửa hàng chuyên bán đồ em bé, mua qua mạng, mua ở các Drug sotre (Những siêu thị chuyên đồ gia dụng)

Ở VN hình như cũng có đồ của Falin tương đối giống, giá rẻ hơn mua đồ Nhật nhiều. Mua ở đâu thì mẹ Ổi không biết, trong WTT đã có topic hỏi cái này đấy ạ.

 

9. Những thắc mắc về ăn dặm - kinh nghiệm của mẹ Ai-chan:


Được phép của mẹ Ai-chan, mẹ Ổi xin trích vào đây link về kinh nghiệm tập ăn dặm kiểu Nhật của mẹ Ai-chan, một người cũng ở Nhật và thực hiện rất thành công, thành công hơn mẹ Ổi Mít rất nhiều.
Những kinh nghiệm mẹ Aichan viết ở đây rất thực tiễn, mẹ Ổi tâm đắc lắm. Mời mọi người tham khảo:

http://aichanfamily.multiply.com/journal/item/63